Những kinh nghiệm sai lầm trong chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Những kinh nghiệm sai lầm trong chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

 Có rất nhiều những kinh nghiệm được truyền miệng từ xưa đến nay mà các mẹ vẫn hay áp dụng nhưng thực chất lại rất phản khoa học. Đây là những kiến thức thường thức chứ chả phải cao siêu gì mà hầu hết tất cả các nền y học nước ngoài áp dụng, chỉ có VN vì nhiều nguyên nhân mà bao nhiêu năm nay đc truyền miệng nhau (kể cả từ các bác sĩ) những cái quá ư là vô lý,chỉ khổ bố mẹ ông bà và chính con cháu mình.
 Sai lầm số 1: Em bé sơ sinh vặn mình nhiều và hay giật mình nên được chẩn đoán là thiếu Canxi.
Điều này chắc chắn không đúng rồi. Vặn mình là 1 biểu hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh. Khi bé mới sinh ra, não của bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên chúng chưa kiểm soát được tay chân và thân mình . Vì vậy nên những bộ phận đó cử động “vô tổ chức” hay “không kiểm soát”, do đó các mẹ thường rất lo lắng không biết con có khó chịu gì không. Và khi đi khám định kỳ, mẹ được cho đem về thuốc bổ sung Canxi với chẩn đoán”thiếu Canxi”. Những thuốc này là thừa đối với bé thậm chí thừa Canxi còn dẫn đến suy gan, suy thận ở trẻ nhỏ. Để biết thiếu Canxi hay không bắt buộc phải xét nghiệm máu các mẹ nhé.
♐ Não của bé sẽ phát triển dần dần theo hướng kiểm soát từ đầu đến chân. Vì vậy, đến khoảng 4 tháng tuổi là đa số các bé kiểm soát được thân mình (nên bé có thể sẽ lật được) và hết vặn vẹo mình. Tuy nhiên, giống như những trái cây trên cành chín không đều nhau, có bé sẽ làm được việc này sớm hơn bé khác, nhưng việc khác lại làm trễ hơn bé khác. Có bé sẽ biết lật sớm, nhưng cũng có bé sẽ bỏ qua luôn giai đoạn lật và chuyển sang ngồi hay đứng lên đi luôn. Nếu bé đứng lên đi được thì không việc gì phải bắt bé nằm xuống lật cho “đủ bộ như con người ta”. Và những bé biết ngồi hay đứng lên trễ hơn bé khác cũng không có nghĩa là bé đó bị thiếu Canxi

Sai lầm số 2: Rụng tóc hình vành khăn là do thiếu Canxi hay còi xương.
Không biết từ đâu có cái lý thuyết này. Có lẽ do sự truyền miệng của người này đến người khác, rồi từ người khác đến người kia, rồi từ người kia đến người kìa, rồi …. , mà không ai tò mò thắc mắc đặt câu hỏi rồi tìm câu trả lời (hay suy luận).
Lúc mới sinh, tóc của bé đang ở giai đoạn tăng sinh (mọc tóc). Sau một thời gian ngắn, 1 phần do sự thay đổi các nội tiết tố mà bé nhận từ mẹ trong bào thai, tóc của bé chuyển sang giai đoạn rụng tóc (các bà mẹ sau khi sinh em bé cũng có thể bị rụng tóc vì những lý do tương tự). Theo lý luận bình thường thì chỗ nào trên đầu cọ xát nhiều thì chỗ đó sẽ rụng tóc nhiều thôi. Vậy ở bé từ 0-6 tháng, chỗ nào trên đầu sẽ được cọ xát nhiều nhất? Và khi nằm bé có để yên cái đầu không, hay là luôn ngọ ngoạy quay qua quay lại? Từ đó có thể suy luận được chỗ nào trên đầu sẽ rụng tóc nhiều nhất và hình dạng chỗ rụng tóc là như thế nào. Ở VN có nhiều cụm từ rất ngộ nghĩnh và … hay hay: rụng tóc hình vành khăn hay đổ mồ hôi trộm hay… nhiều nữa. Tình trạng rụng tóc này ở sơ sinh sẽ thấy rõ nhất lúc khoảng 3-6 tháng tuổi. Từ 6 tháng đến 1 tuổi, đa số các bé sẽ dần dần ngồi nhiều hơn, lật úp và trườn bò nhiều hơn, vì vậy đến khoảng 6-12 tháng tuổi thì đa số các bé sẽ bớt thấy rụng tóc “hình vành khăn” (cũng có khi trễ hơn).
Sai lầm số 3 về Canxi: Đổ mồ hôi trộm và ngủ không ngon là do thiếu Canxi.
Không hiểu tại sao có chữ ”trộm” theo sau từ mồ hôi, có lẽ do nó xảy ra trong đêm chăng? hay là đổ mồ hôi do…đi ăn trộm?
Nguyên nhân thường nhất của đổ mồ hôi là do nóng (đặc biệt là ở VN và đặc biệt hơn nữa là ở Sài Gòn). Và nóng ở đây là do cảm nhận của cá nhân đó (tức là của bé, chứ không phải của ba mẹ nó). Thường thì bé có khuynh hướng dễ đổ mồ hôi hơn người lớn, vì thân nhiệt của các bé có khuynh hướng cao hơn người lớn (khoa học chứng minh thường cao hơn 1 độ C), do con hoạt động nhiều hơn, hệ thần kinh giao cảm của con mạnh hơn của người lớn (nên nhịp tim và nhịp thở của các em bé nhanh hơn người lớn). Với 1 nhiệt độ phòng nhất định nào đó, người lớn thấy là lạnh, thì với các bé có thể thấy là nóng.
Vì vậy, người lớn thấy cài máy lạnh ở nhiệt độ 25 độ là có thể thấy lạnh, nhưng bé thì lại thấy rất nóng. Mặt khác, các bé được cho bú sữa nóng thì đương nhiên thân nhiệt sẽ nóng lên, và dễ đổ mồ hôi hơn. Các bé cũng không xoay trở đầu thường xuyên được như người lớn, nên đầu dễ bị bí hơn và dễ bị nóng hơn, và vì trên đầu có nhiều tuyến mồ hôi nên đơn giản là sẽ đổ mồ hôi nhiều trên đầu. Hoặc nếu các bé nằm nhiều thì cũng có thể thấy đổ mồ hôi ở lưng. Đó là chưa kể ba mẹ của bé để nhiệt độ máy lạnh khoảng 28-30 độ C, rồi còn “ủ ấm” bé nữa thì chắc chắn bé sẽ đổ mồ hôi đầm đìa. Và khi đổ mồ hôi do nóng vậy thì có ai ngủ ngon không nhỉ? Tôi e rằng không rồi.
Vậy thì cách làm cho bé bớt đổ mồ hôi và ngủ ngon là để máy lạnh sao cho nhiệt độ phòng khoảng 23-25 độ C (nhiệt độ được các bác sỹ và tổ chức ý tế trên thế giới khuyến cáo phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở nước ngoài là 20-22 độ nhưng ở Việt Nam để phù hợp với khí hậu nóng ẩm thì 23-25 là nhiệt độ thích hợp), bé phải được hưởng nhiệt độ phù hợp và không đắp mền hay ủ ấm gì hết. Bé sẽ hết triệu chứng “thiếu Canxi” đó. Vì vậy, các bé bị đổ mồ hôi và không ngủ ngon ban đêm không bị thiếu Canxi gì cả mà do thiếu cái máy lạnh đủ lạnh đối với bé. Và các mẹ lưu ý ở đây là nhiệt độ phòng, điều này sẽ rất khác nếu các mẹ bật quạt gió điều hòa ở mức cao rồi thổi vào hay dùng thêm quạt máy vì nó sẽ làm cho luồng không khí lạnh tập trung khác hoàn toàn với việc nhiệt độ phòng và việc không nên để quạt gió thổi quá mạnh và thổi trực tiếp vào nơi bé nằm vì lúc này không khí sẽ lạnh hơn rất nhiều và bé sẽ có nguy cơ bị viêm họng đó ạ (do luông khí lạnh chứ không phải do điều hòa đâu ạ)
♐ Nhiều người lo ngại về chuyện bé đổ mồ hôi rồi sẽ thấm ngược vào làm bé bị viêm phổi. Xin khẳng định lại là chuyện thấm ngược mồ hôi lại vào người là…vớ vẩn.
Nếu như da còn nguyên vẹn thì nó chỉ cho phép nước đi từ trong cơ thể ra ngoài qua tuyến mồ hôi thôi, và da là hàng rào bảo vệ ngăn cách không cho những gì bên ngoài xâm nhập vào cơ thể cả, cho dù là những thứ nhỏ như vi trùng. Chỉ khi có những tổn thương trên da (do trầy xước, bỏng, …)thì những vật bên ngoài mới xâm nhập qua chỗ tổn thương da đó để vào cơ thể thôi. Và nguyên nhân của viêm phổi (hay cảm lạnh) hoàn toàn không phải do không khí lạnh, thay đổi nhiệt độ, gió máy, hay uống nước đá lạnh, mà là do sự xâm nhậpcủa siêu vi hay vi trùng (mầm bệnh) vào đường hô hấp thông qua 3 cửa ngõ: miệng, mũi hay mắt. Vì vậy muốn ngừa những bệnh đường hô hấp đó thì cách tốt nhất (và đơn giản nhất) là bảo vệ đường hô hấp cho con khi ra ngoài, che mũi miệng khi người lớn ho hay hắt hơi và người lớn phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hay nước sát khuẩn nhanh trước khi tiếp xúc với các bé.
Sai lầm số 4: Chậm mọc răng.
Rất nhiều ngộ nhận về chuyện mọc răng, mà ngộ nhận nhiều nhất có lẽ là thời gian mọc răng. Khi mới sinh ra đời, bộ răng sữa của bé đã có sẵn ở đó rồi, còn chuyện chừng nào từng cái răng trong bộ răng đó mọc lên là… chuyện của nó. Khó ai biết được lúc nào những răng đó sẽ nhú ra. Tuy nhiên, dựa trên quan sát lịch mọc răng rất nhiều bé, người ta thống kê được rằng: khoảng 99% các bé sẽ mọc cái răng đầu tiên (thường là răng cửa dưới) trong khoảng từ 6-12 tháng tuổi, một số rất ít trường hợp (khoảng 1%) mọc răng đầu tiên khoảng 3-4 tháng tuổi hay sau 12 tháng tuổi (tôi đã gặp 1 bé mọc răng đầu tiên vào khoảng 16 tháng tuổi và bé này bây giờ răng đầy hàm rồi). Còn chuyện bé bị mất răng bẩm sinh thì lại còn cực kỳ hiếm hơn nữa. Và bởi vì không có bé nào giống bé nào hết (ngay cả 2 bé sinh đôi cùng trứng) nên có bé sẽ mọc răng trước mà cũng có bé mọc răng sau. Vì vậy, nếu con bạn đến 1 tuổi mà vẫn chưa có cái răng nào hết thì bạn cũng không có gì đáng phải lo lắng đâu, và đừng quy cho chuyện mọc răng trễ đó là do thiếu Canxi.
♐ Cũng có một vài sai lầm về mọc răng như sốt mọc răng hay tước mọc răng. Mọc răng không gây sốt (mặc dù trong lúc mọc răng thì thân nhiệt của bé có thể tăng lên khoảng 0.1 độ C so với những ngày không mọc răng, nhưng đó không phải là sốt). Nếu bé sốt (thân nhiệt từ 38 độ C trở lên) thì nên đi tìm nguyên nhân khác, hơn là quy cho chuyện mọc răng.
Tất cả những điều này đều có trong NHA KHOA TRẺ EM, do bộ môn Răng trẻ em, Khoa RHM, ĐH Y được xuất bản năm 2001. Kiến thức trong sách không cách xa thế giới, chỉ có người học là không học hay không nhớ mà thôi.

Sai lầm số 5: Tắm nắng và kiểu phơi nắng lật úp rồi lại ngửa con ra như phơi cá ngoài chợ mà rất nhiều bà mẹ VN đã và đang làm để da bé tự tổng hợp vitamin D.
Ở VN, rất nhiều phụ huynh tích cực mang đứa bé sơ sinh ra”tắm nắng” mỗi sáng sớm. Hôm nào trời âm u không có nắng hay trời mưa hay lạnh là ông bố bà mẹ lại lo lắng vì con mình không được tắm nắng. Người ta được khuyến cáo (ở VN thôi) rằng tắm nắng để bớt vàng da hay tắm nắng để da tổng hợp Vitamin D. Tuy nhiên, đây là khuyến cáo không được … khuyến cáo trên thế giới nếu không nói là ngược lại.
Nếu khuyến cáo tắm nắng để bớt vàng da ở sơ sinh thì không có sách vở y khoa nào nói vậy hết. Người ta chỉ dùng ánh sáng có bước sóng ở tần số nhất định để biến chất gây vàng da từ dạng không tan trong nước sang dạng tan trong nước để nó được thải ra ngoài cơ thể. Phương pháp đó gọi là chiếu đèn. Ánh sáng mặt trời có lẽ có 1 phần bước sóng đó, tuy nhiên nó lại chứa nhiều bước sóng có hại khác cho cơ thể.
Nếu khuyến cáo tắm nắng để tổng hợp vitamin D dưới da thì…chắc không ai trả lời được tắm bao nhiêu nắng (cường độ ánh sáng nắng) hay bao nhiêu lâu thì sẽ tổng hợp được bao nhiêu Vitamin D. Vì thế, trong sách vở y khoa chính thống của Mỹ không bao giờ khuyến cáo tắm nắng cho trẻ với mục đích tổng hợp vitamin D.
♐ Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ chỉ khuyến cáo như sau: Bé cần 400-1000 đơn vị vitamin D mỗi ngày. Nếu bé bú sữa công thức thì trong đó đã được bổ sung vitamin D rồi, còn nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn hay bú mẹ đa phần thì bé cần được bổ sung vitamin D uống mỗi ngày 400-1000 UI (trong suốt thời gian bú mẹ). Trong cả hai trường hợp thì chẳng có trường hợp nào cần tắm nắng cả.
Nếu cho bé tắm nắng, bé sẽ có thể bị cháy da, nổi sảy nóng ngứa ngáy khó chịu, nổi sần chàm da nếu bé có cơ địa da nhạy cảm và…có nguy cơ bị ung thư da.
Sai lầm số 6: Dùng kháng sinh tràn lan và bừa bãi cho con
Nhiều người biết là kháng sinh không có tác dụng đối với siêu vi mà chỉ có tác dụng đối với vi trùng thôi.Hầu hết trường hợp ho cảm(viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản,viêm phế quản, viêm tiểu phế quản), ói, tiêu chảy, hay sốt ở trẻ em là do siêu vi gây ra. Vậy mà rất nhiều bé phải uống hoặc chích kháng sinh chỉ vì những bệnh do siêu vi trên. Kháng sinh sử dụng bừa bãi như thế sẽ gây ra nhiều điều hại: các tác dụng phụ của kháng sinh (tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong) hay đề kháng (nhờn) kháng sinh (sau này khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, bởi vì vi trùng đã tìm được cách chống lại kháng sinh đó, và vì vậy người bệnh sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể tử vong. Kháng sinh, ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh,còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Những vi khuẩn có lợi này giúp tạo một môi trường cân bằng sinh thái ngay trong cơ thể để ngăn cản sự phát triển của những vi khuẩn có hại. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh nhiều và không chính đáng thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn. Một ví dụ dễ thấy ở VN là các bé uống kháng sinh nhiều thì sẽ rất dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, và vì vậy cứ phải ”tiêu thụ” hết loại kháng sinh này đến kháng sinh khác, trong khi những bệnh nhiễm khuẩn đó vẫn chỉ là những bệnh gây ra do siêu vi, và thuốc điều trị tốt nhất là thời gian, tức là phải chờ đủ thời gian cho cơ thể hồi phục lại.
♐ Đặc biệt nếu bé không sử dụng kháng sinh cho những lần bị những bệnh gây ra do nhiễm siêu vi như vậy nữa thì dần dần cơ thể bé sẽ được huấn luyện về miễn dịch và dần dần sức đề kháng của bé sẽ mạnh hơn và bé sẽ ít bị những bệnh nhiễm khuẩn hơn, hoặc bé sẽ bị những bệnh đó nhưng sẽ lướt qua nhanh hơn. Tuy nhiên,để phụ huynh có thể chấp nhận và chịu khó chờ đợi bé chống lại bệnh, cần phải có sự kiên nhẫn giải thích hay thuyết phục của BS (cần có thời gian nữa, cái mà các BS rất thiếu!), cần có sự thông hiểuvà hợp tác từ phía gia đình của bé (mâu thuẫn trong gia đình là một trong những rào cản chính đối với những phụ huynh muốn tránh lạm dụng thuốc cho con mình). Đôi khi, sự hợp tác và hiểu biết của phụ huynh đó còn quan trọng hơn nỗ lực(hay thời gian) của BS giải thích nữa.

Bài viết được tổng hợp từ cuốn sách #Để_con_được_ốm của bác sĩ Trí Đoàn - Cựu phó khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM- Giám đốc BV Quốc tế Victoria Healthcare và các kiến thức tìm hiểu từ các trang Nhi khoa thế giới.

RẤT NHIỀU SẢN PHẨM

RẤT NHIỀU SẢN PHẨM

Tốt cho mẹ và bé

CÁC THƯƠNG HIỆU NỔI TIẾNG

CÁC THƯƠNG HIỆU NỔI TIẾNG

Carter, Farlin, Combi, Chicco.

GIAO HÀNG TOÀN QUỐC

GIAO HÀNG TOÀN QUỐC

Thanh toán khi nhận hàng

HOÀN TRẢ SẢN PHẨM

HOÀN TRẢ SẢN PHẨM

Đổi trả trong 7 ngày